Đình Đào Xá

  • Xã Đào Xá, Huyện Thanh Thuỷ, Tỉnh Phú Thọ
  • Miễn phí
  • 0 Bình luận
  • 160 Lượt xem
  • 0 Lượt thích

Đình Đào Xá khởi dựng thời vua Lê Gia Tông niên hiệu Đức Nguyên (1674 - 1675), tại xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy. Đình thờ Hùng Hải Công, em thứ 19 của vua Hùng đã có công khai mở đất đai, dạy dân trị thủy, trồng cấy, chăn nuôi, xây dựng xóm làng trù phú. Tưởng nhớ công lao của ông, nhân dân tôn Thành hoàng làng và lập đình thờ phụng tại đây.

Đình theo kiến trúc kiểu chữ Nhất, một tòa, 3 gian 2 dĩ, làm theo hướng chính Nam. Sàn đình trước kia lát toàn bộ bằng gỗ, chiều dài của đình là 24m25, chiều rộng của đình là 13m22. Gian chính giữa có một bàn thờ làm theo kiểu long án (giường bầu) cách nền đình hơn 2m, bên trên có bốn cánh cửa sơn son thiếp vàng, chạm trổ tứ linh và long chầu nguyệt với đường nét tinh vi. Hai bên tả hữu đình cũng có bàn thờ bố cục như gian chính giữa. Xung quanh đình được xây tường hoa bằng đá ong bao bọc cao hơn 2m. Đặc biệt, trước đình được xây một cổng chính và hai cổng phụ ở hai bên, mỗi bên đều xây một cổng trụ cao to và một cột đồng trụ nhỏ, trên đỉnh cột đồng trụ đắp quả dành, bốn mặt của cột đồng trụ đều đắp tứ linh và long cuốn thủy, ở hai bên đắp voi và ngựa đứng chầu. Hai bên đầu đình đắp rồng, ở bốn đầu đao đắp nghê, hai bên đầu đốc của đình mỗi bên đầu đắp một con kìm. Kiến trúc đồ sộ vững chãi trong đình được trang trí chạm trổ công phu tinh tế, tổng cộng có mười hai cái kẻ, đa số là chạm trổ hai mặt, cách bố trí chạm trổ thường chia làm hai tầng trên và dưới. Các kẻ được chạm khắc công phu với nhiều nội dung rất phong phú như: long mã phụng đồ, lá sen, người cưỡi ngựa, diều bay lơ lửng (bức chạm có điển tích Cao Biền tầm địa) hay chạm hai con rồng con và một con rồng mẹ, tay mỗi con rồng cầm một quyển sách (điều này gọi là mẫu long huấn tử). 

Đây là ngôi đình có kiến trúc nghệ thuật đẹp tiêu biểu của thế kỷ XVII. Trong đình còn lưu giữ nhiều bức chạm trên các câu đầu, đạt trình độ nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian và tính tư tưởng cao như bức Ngũ lão đăng sơn, Vân Vương xuất hiệp, Quần long tụ hội, phượng cặp thư...

Lễ hội đình Đào Xá với đặc trưng là hội rước voi, được tổ chức vào các ngày 27, 28, 29 tháng Giêng hàng năm. Ngày khai hội, đoàn rước voi ra đền Đào Xá (đền Tam Công) rước bát nhang, long ngai, bài vị về đình. Ngày 28 tháng Giêng là chính hội với các hoạt động tế lễ, rước voi và các trò chơi dân gian. Từ sáng sớm, người dân ở 4 giáp Đông, Tây, Nam, Bắc xung quanh đình chuẩn bị những mâm cỗ cao, đẹp dâng lên Thành hoàng làng. Lễ vật trong mâm cỗ gồm hoa, quả, bánh mật, xôi nếp, trong đó nổi bật là những chú gà trống da vàng óng, được tạo dáng như đang bay, rất đẹp và công phu. Sau khi đoàn rước về đình, người dân và du khách thập phương cùng dâng hương cầu phúc để mong mùa màng tươi tốt và những điều tốt lành trong năm mới. Ngày 29, đoàn rước voi lại rước long ngai, bài vị, sắc phong về đền đợi mùa hội sau.

Với những giá trị văn hóa lịch sử, nghệ thuật điêu khắc tinh xảo, đình Đào Xá được công nhận là Di tích lịch sử Quốc gia và là một trong những ngôi đình cổ nhất trên địa bàn tỉnh còn được lưu giữ đến ngày nay. Đây cũng là nơi 55 năm trước Bác Hồ đã về thăm, nói chuyện với người dân xã Vinh Quang (nay là xã Đào Xá).

Loại hình

  • Du lịch văn hóa
  • lịch sử

Giờ mở cửa


Nội quy tham quan


Vé và lệ phí


Liên hệ

  • Xã Đào Xá, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI