Đền Xa Lộc

  • Xã Tứ Xã, Huyện Lâm Thao, Tỉnh Phú Thọ
  • Miễn phí
  • 0 Bình luận
  • 156 Lượt xem
  • 0 Lượt thích

Tọa lạc trên một khu đất rộng thuộc xã Tứ Xã, huyện Lâm thao, đền Xa Lộc được nhiều người biết đến là một ngôi đền cổ linh thiêng thờ dũng tướng Lân Hổ Hầu - Đô thống Đại Vương - một vị tướng giỏi thời nhà Trần đã có công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông, năm 1256 - 1257, thế kỷ XIII. 

Theo truyền thuyết xưa, mẹ của Tướng Lân Hổ - bà Phùng Thị Dung là một người phụ nữ xinh đẹp ít người sánh kịp. Một hôm, đang ở trong rừng, bà bất ngờ nhìn thấy một đám mây đen rất lớn che kín cả một vùng trời, lại nghe thấy tiếng hổ gầm nên bà sợ hãi bỏ chạy về nhà. Sau hôm ấy bà mang thai, 14 tháng sau sinh ra một người con trai đặt tên là Lân Hổ Đô thống. Ngài thân cao 1 trượng, sức địch trăm người, có tài vác đỉnh, thực là tinh hoa do sông núi hun đúc nên. 

Năm ấy, giặc Nguyên sang xâm lược nước ta, chúng đóng đồn ở ngã ba Bạch Hạc, kéo dài xuống các nương dâu của tổng Thạch Cáp, huyện Sơn Vi (nay là huyện Lâm Thao). Trước tình hình nhiễu loạn, vua Trần xuống chiếu tìm người dẹp loạn, cứu nước an dân. Hay tin, Lân Hổ Đô thống liền tự nguyện xin đi. Ông xin vua một con ngựa sắt, một cây chùy sắt rồi nhảy lên mình ngựa đuổi đánh quân giặc. Quân giặc tan tác không sót một tên. Vua Trần liền ban tặng thần 8 chữ là “Nam thiên tráng khí, Bắc khẩu hàn tâm; Công cư đệ nhất, Trưng Trắc, Trưng Nhị hà dự yên” (Nghĩa là “Tráng khí trời Nam, giặc Bắc run sợ; công cao bậc nhất, Trưng Trắc, Trưng Nhị đâu sánh kịp).

Lân Hổ được vua Trần ban cho làm quan trong triều nhưng ông đã xin được về quê cũ sinh sống, chăm sóc với mẹ. Chẳng được bao lâu, đến năm 1285, quân Nguyên xâm lược nước ta lần thứ hai. Lân Hổ lại ra cầm quân đánh giặc giữ nước và được cử giữ chiến tuyến Gia Ninh - Dục Mỹ. Lần này quân Nguyên với đội quân đông gấp bội, ồ ạt kéo sang nước ta. Trước thế giặc mạnh, Lân Hổ không hề run sợ quyết chặn đứng quân thù. Là một tướng tài, Lân Hổ tả xung hữu đột khiến quân giặc chết như ngả rạ, song do quân giặc quá đông, ông đã anh dũng hi sinh trong trận chiến ác liệt này. Tiếc thương vị tướng tài lập nhiều công lớn, vua Trần đã hạ chiếu xây lăng cho Lân Hổ tại Thành Dền – Gò Dung – thôn Dục Mỹ (xã Ngũ Xã xưa), nay thuộc xã Cao Xá, huyện Lâm Thao và lập miếu thờ cạnh cầu Giòng Rọc (xã Tứ Xã), được nhân dân trong vùng và một số địa phương dọc bờ sông Thao tôn thờ, tế theo nghi lễ nhà nước. 

Đền Xa Lộc có kiến trúc được xem như điển hình của nghệ thuật kiến trúc thờ tự trên địa bàn tỉnh. Đền được xây dựng theo kiểu chữ "Nhị" gồm Đại Bái và Thượng Cung. Lưng đền dựa vào thế đền Tổ Vua Hùng trên núi Nghĩa Lĩnh. Đền hướng Nam, xung quanh thủy tiên bao bọc. Bên phải xa xa có 9 ngọn núi “cửu tượng phục chầu”, bên trái xa xa là “sông Hồng lượn rồng uốn khúc”.

Nhà Đại Bái có 3 gian, để chiêng, trống, ngựa thờ, khám thờ với gươm, đao, giáo mác được sơn son thiếp vàng. Đây cũng là nơi thờ vong linh các liệt sỹ đã hi sinh trong các trận chiến đấu bảo vệ quê hương. Bên trong Đại Bái là Thượng Cung thờ thần Lân Hổ cùng Phùng Sáo Đá và Phùng Sáo Đen - hai vị cận quân tài giỏi của thần Lân Hổ. Hai bên tay trái và phải là nhà tả hữu mạc được xây dựng với kiến trúc đơn giản, ba gian để bà con, dân làng, du khách thập phương chuẩn bị lễ vào đền thắp hương. Điều ấn tượng đối với mỗi người khi đến với đền Xa Lộc chính là khuôn viên bên trong đền đều được bao phủ bởi các cây cổ thụ, tạo bóng mát và không khí trong lành. Năm 2017, đền được mở rộng thêm khuôn viên rộng hơn 1 ha, với ao sen và cổng tam quan, tạo nên nét uy nghi, đẹp đẽ cho ngôi đền.

Trải qua hơn 700 năm thăng trầm, đền Xa Lộc vẫn còn nguyên giá trị vốn có, là nơi để nhân dân gần xa tỏ lòng biết ơn trước đức hi sinh, lòng nhân nghĩa và tinh thần yêu nước của dũng tướng Lân Hổ Hầu - Đô thống Đại Vương. Năm 1991, đền Xa Lộc đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích lịch sử cấp Quốc gia. Ngày nay, cùng với việc lưu giữ, bảo tồn các hiện vật trong ngôi đền, chính quyền địa phương đã tích cực huy động nguồn vốn xã hội hóa để tiếp tục tu bổ và tôn tạo đền, phát huy ý nghĩa tinh thần to lớn không chỉ với người dân của xã Tứ Xã mà còn thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Loại hình

  • Du lịch văn hóa
  • lịch sử

Giờ mở cửa


Nội quy tham quan


Vé và lệ phí


Liên hệ

  • Xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI