Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch

Cùng với kho tàng di sản văn hóa độc đáo, Phú Thọ còn được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Những năm qua, hướng mở triển vọng này đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền và người dân trong tỉnh chung tay nỗ lực triển khai thực hiện với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương. Trong đó, phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch đang là hướng đi mới được nhiều địa phương tập trung nguồn lực thực hiện và bước đầu đã mang lại kết quả khả quan, không những nâng cao giá trị kinh tế, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân mà còn thiết thực góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, tạo động lực phát triển bền vững…

Kết nối vùng miền

Sau 3 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay Phú Thọ đã có 28 danh mục sản phẩm được công nhận đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó 8 sản phẩm đạt hạng 4 sao là: Gạo giống Nhật J02; mỳ gạo Hùng Lô loại đặc biệt; mỳ gạo Hùng Lô - mỳ gạo sạch sinh ra từ làng; chè xanh Bát Tiên Long Cốc;... 20 sản phẩn đạt hạng 3 sao (gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung; đặc sản tương Làng Bợ; chè Đá Hen; bưởi Bằng Luân; bưởi Sửu Chí Đám…). Đây đều là những sản phẩm có lịch sử hình thành lâu đời gắn liền với những địa danh có nhiều tiềm năng khai thác và xây dựng thành sản phẩm du lịch làng nghề của tỉnh. 

Là món ăn truyền thống của đồng bào dân tộc Mường huyện Thanh Sơn, từ lâu, thịt chua đã trở thành đặc sản của người dân huyện miền núi này, đặc biệt trong các dịp lễ, Tết... Tuy nhiên, trước đây, các hộ dân chủ yếu sản xuất thịt chua với quy mô nhỏ lẻ, chủ yếu là phục vụ cho nhu cầu của gia đình và phần nhỏ cung cấp cho thị trường trong huyện. Năm 2018, được sự hướng dẫn của các cấp chính quyền, các hộ dân có kinh nghiệm làm thịt chua đã liên kết thành lập HTX thịt chua Thanh Sơn với 9 thành viên.

Bà Hà Thị Ngọc Điệp - Phó Giám đốc HTX Thịt chua Thanh Sơn cho biết: Từ khi được chứng nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, sản phẩm của chúng tôi đã được giới thiệu và bày bán tại nhiều điểm du lịch của tỉnh như: Vườn Quốc gia Xuân Sơn, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng,…  và có mặt ở các siêu thị lớn: Vinmart, Coopmat, BigC cũng như cung ứng ra thị trường 25 tỉnh, thành trong nước như: Hà Nội, Hà Giang, Hải Phòng, Hải Dương, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu,… Trung bình mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 20.000 sản phẩm. Năm 2020 doanh thu HTX đạt 1,5 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 7-8 lao động với mức thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng.

Cùng với thịt chua Thanh Sơn, nhiều sản phẩm nông nghiệp tại các làng quê Đất Tổ giờ không còn là mặt hàng tự cung tự cấp, tiêu thụ trong phạm vi nhỏ mà đã trở thành sản phẩm du lịch, có chỗ đứng vững chắc trên thị trường trong nước, thậm chí vươn mình ra quốc tế.

Muốn phát triển bền vững, du lịch buộc phải có sản phẩm đặc trưng được du khách chấp nhận, ưa chuộng. Thực tế thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã chứng minh, các sản phẩm OCOP mang đặc trưng hoặc thuần hóa trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, văn hóa, tri thức địa phương. Rõ ràng, từ những đặc điểm tự nhiên, con người, phương thức canh tác độc đáo với sự đa dạng về nông sản, văn hóa ẩm thực... là cơ hội lớn cho các địa phương trong tỉnh phát triển du lịch nông nghiệp.

Điển hình như sản phẩm đạt chuẩn 4 sao OCOP chè Bát Tiên Long Cốc của HTX sản xuất Chè an toàn Long Cốc, huyện Tân Sơn, khi khách du lịch đến với xã Long Cốc có thể tham gia du lịch trải nghiệm đồi chè, tự tay hái chè và được hướng dẫn cách sao chè, đóng gói... như người dân địa phương làm, tự tạo ra những sản phẩm của riêng mình nhưng mang thương hiệu nổi tiếng của địa phương. 

Chị Nguyễn Thị Ngọc Anh du khách đến từ Hà Nội cho biết: “Tôi có dịp đến tham quan và trải nghiệm điểm du lịch sinh thái Đồi chè Long Cốc và vườn Quốc gia Xuân Sơn. Tại đây, tôi được ngắm những cảnh đẹp và còn được xem cách làm ra những túi chè xanh, tôi mong muốn sẽ có nhiều dịp để quay trở lại đây”.

Nhằm thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm OCOP, nhiều chính sách hỗ trợ của tỉnh được triển khai tập trung đẩy mạnh xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, giới thiệu trên các trang thương mại điện tử; xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP; tổ chức Hội chợ quảng bá, kết nối giao thương sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh Phú Thọ năm 2020; kết nối cung cầu sản phẩm OCOP và nông sản tỉnh; giới thiệu các tour, tuyến du lịch, các điểm tham quan, các sản phẩm, đồ lưu niệm và quà gắn với du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng. Cùng với đó, Sở Văn hóa, Thể thao - Du lịch đã tổ chức các hoạt động văn hóa, ẩm thực, quảng bá du lịch, giới thiệu sản phẩm nông sản tỉnh nhân dịp nghỉ lễ, tết tại các điểm du lịch Vườn Quôc gia Xuân Sơn,  Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, Làng cổ Hùng Lô... 

Năm 2019, tổng lượng khách du lịch đến tỉnh ước đạt gần 9 triệu lượt, cho doanh thu khoảng 3.450 tỷ đồng; năm 2020, do tình hình dịch COVID nên lượng khách du lịch đến tỉnh giảm còn trên 1,4 triệu lượt với doanh thu gần 1.500 tỷ đồng. Với lượng khách và doanh thu qua từng năm đã cho thấy du lịch tỉnh đang được khai thác hiệu quả. Điều này sẽ mở ra nhiều cơ hội để các địa phương, tổ chức kinh tế khai thác lợi thế sẵn có, xây dựng thành công những sản phẩm OCOP trong nhóm dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng, đưa những sản phẩm đặc trưng “từ làng ra phố” tới người dân và du khách.

Sản phẩm bưởi Bằng Luân của HTX Dịch vụ, sản xuất và kinh doanh bưởi đặc sản Bằng Luân, huyện Đoan Hùng đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao được đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, góp phần xây dựng, phát triển thương hiệu địa phương.

Nâng tầm thương hiệu

Những năm gần đây, chương trình mỗi xã một sản phẩm được cả hệ thống chính trị quan tâm, tạo sức lan tỏa rộng rãi, động lực mạnh mẽ để nâng tầm thương hiệu, giá trị kinh tế, phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển sản phẩm truyền thống của địa phương. Các sản phẩm OCOP đã thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong tổ chức sản xuất, kinh doanh nông sản đặc sản, đặc trưng của tỉnh, thông qua việc tiêu chuẩn hóa sản phẩm, quảng bá và phát triển thị trường sản phẩm; hình thành vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm. 

Tuy nhiên, hai năm gần đây, tác động bởi đại dịch COVID, nên việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP bị gián đoạn; hoạt động ở một số huyện, xã có các sản phẩm đặc trưng, đặc sản có hiệu quả chưa cao, số sản phẩm tham gia và được công nhận chưa nhiều. Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước cho chương trình còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu hỗ trợ, phát triển và tiêu chuẩn hóa các sản phẩm theo quy định; các sản phẩm chủ lực, đặc thù của địa phương có quy mô sản xuất nhỏ, thiếu sự liên kết trong sản xuất. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều khó khăn. Nhận thức của các chủ thể kinh tế và người dân chưa đầy đủ vai trò và lợi ích khi tham gia chương trình; việc tiêu chuẩn hóa chất lượng sản phẩm chưa được các chủ thể quan tâm đúng mức.

Đồng chí Trần Tú Anh - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết: Tập trung giải quyết những khó khăn, tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình OCOP gắn với bảo tồn và phát huy các sản phẩm lợi thế, dịch vụ du lịch nông thôn, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để mọi người dân, các tổ chức kinh tế xã hội thấy được lợi ích, giá trị kinh tế, giá trị nhân văn khi tham gia và thực hiện Chương trình OCOP. Các cấp, chính quyền chú trọng phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, đoàn thể; vận dụng sáng tạo cơ chế chính sách, huy động nguồn lực phù hợp để từ đó kịp thời động viên, khuyến khích  các tổ chức, cá nhân tạo động lực phát triển phong trào OCOP ngày càng mạnh mẽ. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, quảng bá sản phẩm đặc biệt các sản phẩm đã được xếp hạng đạt chuẩn OCOP gắn với du lịch; ứng dụng thương mại điện tử để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm và thực hiện bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho sản phẩm, hồ sơ công bố chất lượng, truy suất nguồn gốc sản phẩm. Cùng với đó, các địa phương, đơn vị tập trung thực hiện trọng tâm chương trình là phát triển và tiêu chuẩn hóa sản phẩm. Các cơ quan hữu trách tăng cường công tác quản lý nhà nước trong quản lý và phát triển sản phẩm OCOP; thực hiện thanh tra, kiểm tra các sản phẩm, hàng hóa, nhãn hiệu, logo của tổ chức cá nhân đã được công nhận sản phẩm OCOP nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm. Xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách mạnh, phù hợp để huy động nguồn lực xã hội, ưu tiên đầu tư nguồn kinh phí hỗ trợ cho phát triển các sản phẩm OCOP cấp tỉnh, quốc gia gắn với phát triển các hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị; khơi dậy, thúc đẩy tính sáng tạo từ chủ thể, doanh nghiệp, HTX, làng nghề tham gia chương trình OCOP. 

Trong năm nay, tỉnh tiếp tục rà soát các sản phẩm đã được xếp hạng để duy trì và nâng từ 3 sao lên 4 sao; phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 125 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP; tiếp tục hỗ trợ, phát triển du lịch dịch vụ cộng đồng Xuân Sơn; du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô, xã Hùng Lô đạt hạng 3 sao gắn với các điểm tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng; đồng thời là điểm giới thiệu, quảng bá và bán các sản phẩm OCOP.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI