Việt Trì (Phú Thọ) quyết tâm xây dựng “Thành phố lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”

Việt Trì (Phú Thọ) quyết tâm xây dựng “Thành phố lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Việt Trì lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, thành phố Việt Trì đặt mục tiêu nâng tầm vị thế đô thị Việt Trì thành trung tâm kinh tế năng động của tỉnh Phú Thọ.


Quảng trường Hùng Vương tại trung tâm thành phó Việt Trì

Tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 817/QĐ-TTg phê duyệt mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp để phát triển Việt Trì trở thành “Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam”. Đây là cơ hội lớn để thành phố Việt Trì tiếp tục mở rộng không gian đô thị và huy động các nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho các hoạt động văn hóa vùng đất Tổ.

Với chủ trương ưu tiên cải tạo, nâng cấp và xây dựng hệ thống giao thông hướng ngoại, hướng tâm, đến nay, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều khu đô thị mới và tuyến đường giao thông nội thị, góp phần thay đổi cảnh quan thành phố. Hệ thống đường giao thông nông thôn được bê tông hóa đạt gần 90%. Nhiều tuyến quốc lộ, cầu và đường đối ngoại như: đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, quốc lộ 2, quốc lộ 32C, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang…

Việc chỉnh trang làm đẹp đô thị cũng được quan tâm với hạ tầng khu dân cư, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng đồng bộ...góp phần làm cho bức tranh đô thị ngày càng khởi sắc.

Hát Xoan Phú Thọ được đặc biệt quan tâm phát triển thành văn hóa phi vật thể độc đáo của Phú Thọ

Đặc biệt, các dự án hạ tầng du lịch, khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại, công trình văn hóa như: Quảng trường Hùng Vương, Công viên Văn Lang, Trung tâm thương mại Vincom, Khách sạn Mường Thanh, Khách sạn Sài Gòn - Phú Thọ; chợ mới Việt Trì, tuyến phố đi bộ, phố ẩm thực… được đưa vào khai thác, tạo bước chuyển biến tích cực theo hướng đa dạng hóa, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch và nhân dân.

Ông Phạm Xuân Sơn - Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết: Từ việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm đã tạo ra cho thành phố Việt Trì nhiều lợi thế trong phát triển các ngành dịch vụ, thương mại. Nhờ đó, kết quả thực hiện các chỉ tiêu đạt khá. Năm 2020, giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ đạt gần 6.000 tỷ đồng; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2017 - 2020 đạt 10.7%/năm. Tổng số lao động trong các ngành dịch vụ của thành phố đến năm 2020 là 65.000 người, chiếm 47,2% tổng số lao động toàn thành phố.

Ngoài ra thành phố Việt Trì tập trung lấy phát triển các ngành thương mại, dịch vụ làm động lực để tạo lập và củng cố sự liên kết, bảo đảm đầu ra cho các ngành khác và tác động lan tỏa tới mọi lĩnh vực trong nền kinh tế của thành phố.

Một trong những tiềm năng, lợi thế lớn nhất mà Việt Trì có được để phát triển thành trung tâm dịch vụ - du lịch chính là lợi thế về vị trí địa lý, cảnh quan và các di tích lịch sử, công trình kiến trúc, làng nghề truyền thống; đặc biệt thành phố có hai di sản  văn hóa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” và “Hát Xoan Phú Thọ”.

Với tổng số 111 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, 53 di tích được xếp hạng (14 di tích cấp quốc gia, 39 di tích cấp tỉnh) và có 2 điểm du lịch trọng điểm là Khu Di tích lịch sử Đền Hùng và điểm du lịch Hùng Lô, Việt Trì đã và đang duy trì tổ chức các lễ hội truyền thống; mở rộng xây dựng các lễ hội mới...thu hút hàng chục ngàn lượt khách du lịch mỗi năm.

“Để đưa Việt Trì trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế; gắn với nhiệm vụ xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam, thành phố đã và đang phục dựng có chọn lọc một số lễ hội đã mai một như: lễ hội vua Hùng dạy dân cấy lúa, lễ hội cướp bông ném chài…Các lễ hội mới với quy mô hoành tráng như: lễ hội dân gian đường phố, lễ hội bơi chải mở rộng trên Hồ Công viên Văn Lang được đầu tư tổ chức. Hiện tại, sản phẩm du lịch “City Tour Việt Trì”, Hát xoan làng cổ, tour du lịch hằng ngày Hà Nội - Phú Thọ, tuyến du lịch quốc tế đường sông.... đang được thành phố nâng cao chất lượng phục vụ”, bà Nguyễn Thu Hiền - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thành phố Việt Trì chia sẻ.

Trong đề án phát triển các ngành dịch vụ giai đoạn 2021 - 2025, thành phố Việt Trì các định mục tiêu: Tạo điều kiện thuận lợi cho các ngành dịch vụ trên địa bàn phát triển theo hướng bền vững, phấn đấu tăng thu cho ngân sách nhà nước đến năm 2025 đạt 1.200 tỷ đồng trở lên; tổng số lao động trong các ngành dịch vụ của thành phố đến năm 2025 khoảng 80.000 người, chiếm 50% tổng số lao động toàn thành phố.

Ông Phan Thanh Dương - Trưởng phòng Kinh tế thành phố cho biết: Trong giai đoạn 2021 - 2025, bên cạnh nâng cấp và khai thác hiệu quả các siêu thị, trung tâm thương mại, Việt Trì phấn đấu xây dựng các điểm bán hàng tự động gắn với các khu điểm du lịch. Xây dựng các trung tâm dịch vụ Logistic để đảm bảo cho việc phân phối hàng hóa. Ngoài các làng nghề truyền thống hiện có là: rau an toàn Tân Đức, hoa đào nhà Nít xã Thanh Đình, Mỳ gạo, bánh chưng Hùng Lô, thành phố sẽ xây dựng thêm các làng nghề mới để tạo ra chuỗi dịch vụ khép kín mang thương hiệu đất Tổ.

Với những tiềm năng sẵn có và những nỗ lực bằng nhiều giải pháp, thành phố Việt Trì sẽ tạo ra bước phát triển đột phá, xứng đáng là trung tâm khoa học công nghệ, giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao của vùng trung du miền núi phía Bắc; sớm trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

0 bình luận

Viết bình luận của bạn

IZOMI