Tọa lạc trên một gò đất cao ở xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hoà với một quần thể kiến trúc, nghệ thuật độc đáo, đền Chu Hưng là nơi thờ Côn Nhạc Đại Vương - người có công đánh giặc bảo vệ giang sơn bờ cõi Hạ Hòa thuở xưa.
Qua thư tịch cổ kể lại: Côn Nhạc Đại Vương là cháu của Hùng Nhuệ Vương (Lang Liêu), cháu của An Dương Vương. Khi lên ngôi, Hùng Nhuệ Vương cho phân chia sơn hà thành từng vùng, từng châu rồi giao cho anh em mỗi người hùng cứ một phương. Trong đó, Côn Nhạc Đại Vương được giao chính tổng chấn địa hạt Chu Hưng, theo lệnh vua cha, Côn Nhạc đến địa hạt Chu Hưng chiêu dân lập ấp, khai phá điền hoang, sơn trại, nuôi dưỡng súc vật, bồi bổ sức dân, làm cho dân ấp mỗi ngày một hưng thịnh. Đang yên lành, bỗng ở trong nước nhiều nơi trộm cướp nổi lên hoành hành, ở ngoài bờ cõi giặc Phương Bắc rình rập dọa đe kéo quân sang xâm chiếm Văn Lang. Vua hạ chiếu chỉ gọi các con đang trấn giữ khắp phương lui về kinh thành để hội bàn cách đánh. Côn Luân, Côn Nhạc, Côn Lang được vua giao việc chiêu mộ hiền tài, tu bổ khí giới để đồng tâm hiệp sức cùng các tướng lĩnh triều đình đánh quân xâm lược.
Côn Nhạc được giao nhiệm vụ chỉ đạo đội quân theo đường bộ áp sát vùng Yên Bái, Lào Cai đón đánh giặc ngay từ biên giới. Thắng trận khải hoàn, bờ cõi yên vui, Côn Nhạc trở về đệ sớ tấu vua, triều đình phấn khởi mở tiệc khao quân, ban thưởng tướng tài sỹ giỏi, Côn Nhạc được gia phong sắc quý là: "Quốc tái gia phong, Sắc rồng Côn Nhạc, Tính tông, Hùng chấn Đại Vương thượng tướng nhất phương Cảnh Vũ". Côn Nhạc trở về tiếp tục cai quản địa hạt Chu Hưng. Một thời gian sau ông mất vào ngày mồng 8 tháng 2, táng ngay trên đỉnh Quy Sơn một mạch đất điệp điệp, trùng trùng, đấy là nơi đặt Lăng Côn Nhạc ký, nay là nơi xây dựng Chùa Trúc Lâm.
Tưởng nhớ công ơn của ông, nhân dân đã lập miếu thờ. Tháng 7-1806, Vua Gia Long đã cho xây dựng mới ngôi đền và tồn tại đến nay. Trải qua các triều vua nhà Nguyễn, đền Chu Hưng nhận được 11 đạo sắc phong: 1 sắc phong thời Vua Minh Mệnh (1821), 2 sắc phong thời vua Thiệu Trị, 1 sắc phong thời vua Đồng Khánh, 5 sắc phong thời vua Tự Đức, 2 sắc phong thời vua Duy Tân. Trong đó có 4 sắc phong "Hựu thiện phù trực chi thần", 5 sắc phong "Thượng đẳng thần". Tại Đền vẫn còn lưu được tượng thờ Côn Nhạc, các sắc phong của các triều đại, quyển "Chu Hưng Thánh tích ngọc phả", hậu đường bia ký và các đồ thờ có giá trị khác. Đền Chu Hưng tuy được kiến tạo muộn màng nhưng được dựng trên địa thế của Quy Sơn tự khí (tức núi Kim Quy). Vì vậy ngôi đền có ý nghĩa hết sức lớn lao, gắn với sự phát triển của một nền văn học nghệ thuật, gắn với sự phát triển của Đạo Phật- đạo nho trong xã hội thời nhà Trần đầy vẻ vang và oanh liệt.
Đặc biệt, Đền Chu Hưng còn gắn với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước. Ngày 29-8-1945, mặt trận Việt Minh đã lấy sân đền làm trụ sở tổ chức cuộc mít tinh tuyên bố xóa bỏ chính quyền thực dân phong kiến. Ngôi đền này cũng là nơi tuyên bố thành lập các đoàn thể cứu quốc như: Nông dân cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc, Thanh niên cứu quốc... Từ tháng 4 năm 1947 đến tháng 12 năm 1949, xưởng nữ quân nhu chiến khu 10 đã đặt cơ sở tại đền làm nơi sản xuất quần áo chiến sỹ, đóng gói chăn màn, ba lô để gửi ra tiền tuyến. Ngày 16-4-1949, đội vũ trang đầu tiên của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào làm nhiệm vụ học tập quân sự và học tập về tình hình nhiệm vụ cách mạng Lào tại đền Chu Hưng.
Như vậy, đền Chu Hưng không chỉ là nơi hương hỏa trường minh, phụng thờ Côn Nhạc, mà ngôi đền này còn gắn với sự phát triển của nền văn hóa Nhà nước phong kiến tập quyền và gắn với những sự kiện lịch sử của cách mạng Việt Nam trong những năm đầu của cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp. Ngày nay, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với sự đóng góp của nhân dân địa phương, đền Chu Hưng đã được đầu tư, tôn tạo to đẹp và uy nghiêm hơn.
Cụ Trương Đức Năng - người trong Ban quản lý đền Chu Hưng đã có nhiều năm trông coi ngôi đền cho biết: “Vào ngày mồng 7 tháng Giêng hàng năm, lễ hội đền được tổ chức với đội tế nam rước kiệu và lễ vật uy linh, rực rỡ với cờ Tổ quốc, cờ thần, cờ hội, tiếng trống, tiếng chiêng của phường bát âm và hương trầm từ chùa Trúc Lâm về đền. Đây là dịp để dân làng tỏ lòng thành kính trước đức thánh Côn Nhạc Đại Vương và dâng lên Thánh những sản vật ngon nhất được chuẩn bị cầu kỳ, công phu, với ước nguyện cầu mong phù hộ cho gia đình, họ tộc, dân làng một năm mới được khỏe mạnh, bình yên, mùa màng bội thu. Cùng với những nghi thức tế lễ truyền thống, phần hội sôi động diễn ra với các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, chọi gà... thu hút đông đảo người dân địa phương và du khách tham gia. Ngày hội đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người con vùng đất Chu Hưng".
Lễ hội Chu Hưng chính là “thời gian thiêng” trong đời sống nhân dân, là môi trường thuận lợi để hình thành, phát triển những giá trị thẩm mỹ, văn hóa và là "chất keo" trong sự gắn kết của cộng đồng làng xã trên quê hương giàu truyền thống cách mạng, là nơi lưu giữ những giá trị lịch sử và nghệ thuật đặc biệt của vùng đất Hạ Hòa.
0 bình luận